Tải về tại đây
BÀI 1
CHỦ ĐỀ: TRUYỆN
(TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH)
Tiết 7 + 8
THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU: “SƠN TINH, THỦY TINH”
Đọc truyện dưới đây và trả lời câu hỏi.
[1] Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua cha yêu thương nàng hết mực, muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng.
Một hôm có hai chàng trai đến cầu hôn. Một người ở vùng núi Tản Viên có tài lạ: vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Người ta gọi chàng là Sơn Tinh. Một người ở miền biển, tài năng cũng không kém: gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về. Người ta gọi chàng là Thuỷ Tinh. Một người là chúa vùng non cao, một người là chúa vùng nước thẳm, cả hai đều xứng đáng làm rể vua Hùng. Vua Hùng băn khoăn không biết nhận lời ai, từ chối ai, bèn cho mời các Lạc hầu vào bàn bạc. Xong, vua phán:
- Hai chàng đều vừa ý ta, nhưng ta chỉ có một người con gái, biết gả cho người nào? Thôi thì ngày mai, ai đem sính lễ đến trước, ta sẽ cho cưới con gái ta.
Hai chàng tâu hỏi đồ sính lễ cần sắm những gì, vua bảo: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”.
[2] Hôm sau, mới tờ mờ sáng, Sơn Tinh đã đem ra đầy đủ lễ vật đến rước Mị Nương về núi.
Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thần hô mưa, gọi gió làm thành dông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước.
Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép lạ bốc từng quả đồi, đời từng dãy núi, dựng thành luỹ đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thuỷ Tinh đã kiệt. Thần Nước đành rút quân.
[3] Từ đó, oán nặng, thù sâu, hằng năm Thuỷ Tinh làm mưa gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng năm nào cũng vậy, Thần Nước đánh mỏi mệt, chán chê vẫn không thắng nổi Thần Núi để cướp Mị Nương, đành rút quân về.
(Theo Huỳnh Lý - Ngữ văn 6, tập một, NXBGDVN năm 2019)
A. TRẮC NGHIỆM
Ghi lại đáp án đầu câu trả lời đúng nhất.
1. Dòng nào trả lời đúng câu hỏi: Truyện truyền thuyết là gì?
A. Là truyện cổ dân gian; có sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo; kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc; qua đó thể hiện ước mơ và niềm tin của nhân dân.
B. Là truyện cổ dân gian; có sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo; kể về các sự kiện và nhân vật liên quan đến lịch sử; giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương.
C. Là những câu chuyện cổ có sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo; kể về các loài vật và được nhân hóa như người; qua đó thể hiện ước mơ và niềm tin của nhân dân.
D. Là truyện cổ có sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo; kẻ về các nhân vật ngốc nghếch, nhân vật bất hạnh, nhân vật thông minh; người mang lốt vật,…
2. Dòng nào dưới đây không phải là yêu cầu cần chú ý khi đọc truyện truyền thuyết?
A. Truyện xảy ra thời nào? Kể về chuyện gì?
B. Truyện liên quan đến sự thật lịch sử nào?
C. Truyện muốn ca ngợi hay phê phán điều gì?
D. Nhân vật chính thuộc kiểu nhân vật nào?
3. Dòng nào dưới đây nêu đúng lí do truyện “Sơn Tinh Thủy Tinh” được xếp vào thể loại truyện truyền thuyết?
A. Đó là câu chuyện được kể truyền miệng từ đời này qua đời khác.
B. Đó là câu chuyện dân gian kể về các anh hùng thời xưa.
C. Đó là câu chuyện liên quan đến các nhân vật lịch sử.
D. Đó là câu chuyện dân gian, có nhiều yếu tố tưởng tượng kì ảo và liên quan đến sự thật lịch sử.
4. Ngôi kể của truyện là
A. ngôi thứ nhất B. ngôi thứ hai C. ngôi thứ ba D. kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba
5. Dòng nào dưới đây nêu đúng trình tự sự kiện được kể trong truyện “Sơn Tinh Thủy Tinh”?
1/ Vua Hùng kén rể
2/ Vua Hùng ra điều kiện kén rể
3/ Sơn Tinh, Thủy Tinh cùng đến cầu hôn
4/ Sơn Tinh đến trước, được vợ
5/ Hai bên giao chiến hàng tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh thua, rút về.
6/ Thủy Tinh đến sau, tức giận, dâng nước đánh Sơn Tinh
7/ Hàng năm, Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều thua.
A. 1 – 2 – 3 - 4 – 5 – 6 - 7
B. 1 – 2 – 3 - 4 – 5 – 6 - 7
C. 1 – 3 – 2 - 4 – 6 – 5 – 7
D. 1 – 2 – 7 – 3– 5 – 6 - 4
6. “Sơn Tinh Thủy Tinh” là truyện kể về đề tài
A. người có công lao với đất nước B. người có tài năng nghệ thuật siêu phàm
C. người mồ côi nghèo khổ D. Người mang lốt vật
7. Nghĩa của từ "Sơn Tinh", "Thủy Tinh" là
A. núi và nước
B. con yêu tinh sống trên núi, dưới nước
C. loài tinh tinh
D. Thần Núi, Thần Nước
8. Dòng nào dưới đây không nêu đúng sự thật lịch sử được phản ánh trong truyện “Sơn Tinh Thủy Tinh”?
A. Hùng Vương thứ mười tám.
B. Thủy Tinh có tài gọi gió, hô mưa.
C. Tục lệ kén rể, thách cưới.
D. Tháng 7 và 8 hàng năm ở đồng bằng sông Hồng thường có lũ lụt.
B. TỰ LUẬN
Bài 1. Truyện xảy ra vào thời nào? Xác định nhân vật chính của truyện?
Bài 2. Nêu nhận xét về đặc điểm, ý nghĩa các chi tiết truyện kể về Sơn Tinh, Thủy Tinh ở phần [1] văn bản?
Bài 3. Đọc đoạn truyện phần [2] văn bản và trả lời câu hỏi:
a. Xác định nội dung chính của đoạn truyện.
b. Tìm và nêu tác dụng của các chi tiết hoang đường, kì ảo có trong đoạn truyện.
c. Trong cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, ai là người chiến thắng? Nguyên nhân nào dẫn đến chiến thắng đó?
Bài 4. Những chi tiết kết thúc truyện ở phần [3] nhằm giải thích nguồn gốc hiện tượng nào của đời sống?
Bài 5. Theo em, truyện đã phản ánh hiện thực và ước mơ gì của ông cha ta?
Bài 6. Qua câu chuyện, nhân dân ta muốn ca ngợi hay phê phán điều gì?
Bài 7. Theo em, bài học nào từ câu chuyện đến nay vẫn còn nguyên giá trị?
Hướng dẫn học ở nhà:
- Đọc kĩ và hiểu, nắm vững đ¬ược kĩ năng cảm thụ văn học và tích cực rèn luyện phẩm chất qua bài học rút ra từ truyện.
- Hoàn thiện các bài tập trong phiếu bài tập.
- Chuẩn bị bài tiếp theo: xem lại kiến thức và tìm hiểu câu hỏi trong PHT.
---------------------o0o-------------------------
Tiết 9 + 10
THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU: “CÂY KHẾ” (trích)
Đọc đoạn truyện dưới đây và trả lời câu hỏi.
[1] Ngày xửa, ngày xưa, ở một nhà kia có hai anh em, cha mẹ mất sớm. Hai anh em chăm lo làm lụng nên trong nhà cũng đủ ăn. Nhưng từ khi có vợ, người anh sinh ra lười biếng, bao nhiêu công việc khó nhọc, đều trút cho vợ chồng người em. Hai vợ chồng người em thức khuya, dậy sớm, cố gắng làm lụng. Thấy thế, người anh sợ em tranh công, liền bàn với vợ cho hai vợ chồng người em ở riêng.
Người anh chia cho em được một căn nhà tranh lụp xụp ở trước cửa có một cây khế ngọt. Còn người anh có bao nhiêu ruộng cho làm rẽ (1) và ngồi hưởng sung sướng với vợ. Thấy em không ta thán (2), người anh cho em là đần độn và không đi lại với em nữa.
Những ngày sung sướng nhất của hai vợ chồng người em là những ngày khế chín. Quanh năm, hai vợ chồng chăm chút cho nên cây khế xanh mơn mởn, bóng rợp khắp mảnh vườn nhỏ bé, quả lúc lỉu cả ở những cành là sát mặt đất, trẻ lên ba cũng với tay được.
[2] Một buổi sáng, hai vợ chồng ra hái khế đi bán thì thấy trên ngọn cây có tiếng rung mạnh như có người đang trèo. Hai vợ chồng nhìn lên thì thấy một con chim lớn đang ăn khế chín vàng. Hai vợ chồng đợi chim ăn xong bay mới trèo lên cây hái quả. Từ đó, ròng rã một tháng trời, hàng ngày chim cứ đến ăn vào lúc sáng sớm làm quả vợi hẳn đi.
Một hôm, đứng đợi cho chim ăn, người vợ nói:
- Ông chim ơi, ông ăn như thế còn gì là khế của nhà cháu nữa! Cây khế nhà cháu cũng sắp hết quả rồi đấy, ông ạ!
Chim nói:
- Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng!
Nói đi nói lại ba lần, chim mới vỗ cánh bay đi. Hai vợ chồng lấy làm lạ lắm nhưng cũng nghe lời chim may một túi vải, bề dọc bề ngang vừa đúng ba gang.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng vừa ăn cơm xong thì thấy gió mù mịt và một con chim rất lớn hạ xuống giữa sân, quay mặt vào nhà kêu mấy tiếng như chào hỏi. Người chồng xách cái túi ra, chim rạp mình xuống đất cho anh trèo lên lưng rồi vỗ cánh bay lên. Chim bay mãi, bay mãi, qua bao nhiêu là miền, hết đồng ruộng đến rừng xanh, hết rừng xanh đến biển cả… Ra tới giữa biển, chim rẽ vào một hòn đảo toàn đá trắng, đá xanh, đá đỏ, đá ngũ sắc. Chim bay một vòng quanh đảo, rồi từ từ hạ xuống một cái hang.
Chim ra hiệu cho anh vào lấy gì thì lấy. Ngay cửa hang, anh đã thấy toàn những thứ đá trong như thủy tinh và hổ phách đủ các màu. Anh thấy hang sâu và rộng nên không dám vào, chỉ dám nhặt một ít vàng, kim cương ở ngoài rồi ra hiệu cho chim bay về.
Chim lại cất cánh trở về, bay qua hết biển cả đến rừng xanh, hết rừng xanh đến đồng ruộng, tới khi mặt trời đứng bóng thì chim đưa anh về đến nhà. Từ đấy, vợ chồng người em trở nên giàu có.
(Theo Bùi Mạnh Nhị (Chủ biên) - Văn học dân gian: những tác phẩm chọn lọc)
Chú thích:
(1) Làm rẽ: người khác thuê ruộng đất để canh tác, sau đó nộp lại một phần sản phẩm thu hoạch được cho chủ ruộng (rẽ: tách ra một phần sản phẩm, một phần lợi thu được để nộp cho người chủ của tư liệu sản xuất - một hình thức bị bóc lột thời trước)
(2) Ta thán: than thở và oán trách
A. TRẮC NGHIỆM
Ghi lại đáp án đầu câu trả lời đúng nhất.
1. Dòng nào dưới đây không phải là khái niệm truyện cổ tích?
A. Là truyện cổ dân gian; có sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo; kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc.
B. Là truyện cổ dân gian; kể về cuộc đời các nhân vật ngốc nghếch, nhân vật bất hạnh, nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh; người mang lốt vật,…
C. Là những câu chuyện cổ dân gian thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu.
D. Là truyện cổ dân gian; kể về các sự kiện và nhân vật liên quan đến lịch sử; giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương.
2. Dòng nào dưới đây không phải là yêu cầu cần chú ý khi đọc truyện cổ tích?
A. Truyện kể về việc gì? Truyện kể về ai? Ai là nhân vật nổi bật? Kết thúc truyện, số phận nhân vật như thế nào?
B. Truyện liên quan đến sự thật lịch sử nào? Đâu là chi tiết tưởng tượng, hoang đường, kì ảo?
C. Qua diễn biến và kết thúc của truyện, tác giả dân gian muốn ca ngợi, phê phán hay nói lên ước mơ gì? Điều đó có liên quan như thế nào đến cuộc sống hiện nay?
D. Những chi tiết nào trong truyện là chi tiết hoang đường, kì ảo? Những chi tiết này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung và nghệ thuật của truyện?
3. Người kể chuyện trong truyện "Cây khế" là
A. người kể giấu mặt. B. người anh. C. người em. D. hai vợ chồng người em.
4. Trong hệ thống phân loại truyện cổ tích, “Cây khế” thuộc nhóm truyện
A. cổ tích thần kỳ.
B. cổ tích thế sự. C. cổ tích loài vật.
D. cổ tích sinh hoạt.
5. Nhân vật chính trong đoạn truyện trên là
A. con chim. B. người anh. C. người em. D. hai vợ chồng người em.
6. Chi tiết nào dưới đây là hoang đường, kì ảo?
A. Hai vợ chồng người em thức khuya, dậy sớm, cố gắng làm lụng.
B. Hai vợ chồng nhìn lên thì thấy một con chim lớn đang ăn khế chín vàng.
C. Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng!
D. Chim bay một vòng quanh đảo, rồi từ từ hạ xuống một cái hang.
B. TỰ LUẬN
Bài 1. Truyện cổ tích thường mở đầu bằng những từ ngữ quen thuộc chỉ thời gian quá khứ, không gian xác định. Hãy tìm các từ ngữ đó trong đoạn truyện trên.
Bài 2.
a. Đoạn truyện kể về việc gì? Xác định những sự kiện chính trong đoạn truyện.
b. Nhân vật chính trong đoạn truyện thuộc kiểu nhân vật nào? Nhân vật có đặc điểm gì nổi bật về tính cách?
c. Tìm và nêu tác dụng của những chi tiết hoang đường, kì ảo có trong đoạn truyện.
Bài 3. Truyện cổ tích thường có kết thúc có hậu.
a. Em hiểu thế nào là “kết thúc có hậu”?
b. Chứng tỏ rằng trong đoạn truyện “Cây khế” cũng có một kết thúc có hậu.
c. Với kết thúc có hậu dành cho nhân vật xứng đáng được hưởng, nhân dân ta muốn ca ngợi, phê phán hay nói lên ước mơ, niềm tin gì?
d. Những “kết thúc có hậu” của truyện cổ tích không chỉ gửi gắm niềm tin, ước mơ của nhân dân lao động mà ở đó còn chứa đựng những bài học sâu xa. Ở đoạn truyện trên, bài học nào để lại ấn tượng sâu sắc trong em? Em đã vận dụng bài học đó như thế nào trong cuộc sống?
Bài 4. Em thích chi tiết nào nhất trong đoạn truyện trên? Vì sao?
Bài 5. Tưởng tượng một kết thúc khác cho đoạn truyện và kể lại bằng khoảng khoảng 5 – 7 câu văn.
Hướng dẫn học ở nhà:
- Đọc kĩ và hiểu, nắm vững đ¬ược kĩ năng cảm thụ văn học và tích cực rèn luyện phẩm chất qua bài học rút ra từ truyện.
- Hoàn thiện các bài tập trong phiếu bài tập.
- Chuẩn bị bài tiếp theo: xem lại kiến thức và tìm hiểu câu hỏi trong PHT.
---------------------o0o-------------------------
Tiết 11 + 12
LUYỆN TẬP: TỪ ĐƠN, TỪ PHỨC
A. TRẮC NGHIỆM
Ghi lại đáp án đầu câu trả lời đúng nhất.
1. Xét về cấu tạo, từ tiếng Việt có thể chia thành:
A. Từ đơn, từ phức (gồm từ có 2 tiếng, từ có 3 tiếng)
B. Từ đơn, từ phức (gồm từ ghép, từ láy)
C. Từ đơn nghĩa, từ nhiều nghĩa
D. Từ đồng âm, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa
2. Nhận xét nào sau đây chưa đúng?
A. Từ đơn là từ có một tiếng.
B. Từ ghép là từ phức do hai hay nhiều tiếng có quan hệ về nghĩa với nhau tạo thành.
C. Từ láy là từ phức do hai hay nhiều tiếng có quan hệ về âm tạo thành.
D. Từ do những tiếng tạo thành có phụ âm đầu giống nhau đều là từ láy.
3. Trong bốn cách chia loại từ phức sau đây, cách nào đúng?
A. Từ ghép và từ láy
B. Từ phức và từ ghép; C. Từ phức và từ láy;
D. Từ phức và từ đơn.
4. Câu “Vua nhớ ơn phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà” có bao nhiêu từ đơn?
A. Sáu B. Bảy C. Tám D. Chín
5. Dòng nào dưới đây chỉ có từ láy?
A. hội hè, tươi cười, tóc tai. C. tươi tốt, bồng bế, chùa chiền
B. mênh mông, lất phất, tí tách D. chạy nhảy, đi đứng, nhảy nhót
6. Dòng nào nêu không đúng các từ ghép có trong đoạn thơ sau đây:
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn chuyện cổ thiết tha Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang.
(Lâm Thị Mỹ Dạ – “Chuyện cổ nước mình”)
A. cha ông, đời tôi, chân trời
B. con sông, công bằng, thông minh C. thiết tha, chuyện cổ, ông cha
D. độ lượng, đa tình, đa mang
B. TỰ LUẬN
Bài 1. Cho các từ phức sau, hãy phân loại từ ghép, từ láy: xây dựng, dưa hấu, trắng trẻo, lim dim, tươi cười, bực bội, rảnh rỗi, cây cỏ, nhỏ nhẹ, mong ngóng, tỉnh táo, chạy chữa, may mặc.
Bài 2.
a. Hãy tạo thành các từ ghép có chứa các tiếng sau và đặt câu với ít nhất 2 từ tìm được: xinh, tươi, cá, gà, rau, hoa.
b. Hãy tạo thành các từ láy có chứa các tiếng sau và đặt câu với ít nhất 2 từ tìm được: xấu, lạnh, nặng, nhẹ, mát, xanh.
Bài 3. Tìm các từ láy:
a. Tả tiếng nói
b. Tả tiếng cười
c. Tả dáng điệu
Bài 4*. Đọc truyện “Thánh Gióng”, em thích đoạn truyện nào nhất? Hãy viết đoạn văn khoảng 6 - 8 câu nêu cảm nhận sâu sắc nhất của em về đoạn truyện đó. Đoạn văn có sử dụng từ ghép, từ láy. Gạch chân 02 từ ghép, 01 từ láy.
Bài 5. Gạch chân các từ ghép trong các đoạn thơ (văn) dưới đây:
a. Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. (“Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm)
b. Chàng chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, hạt nào hạt nấy tròn mẩy, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ. (“Sự tích bánh chưng, bánh giầy”)
Bài 6. Tìm từ ghép có công thức cấu tạo như sau và đặt câu với ít nhất 2 từ tìm được:
1 - X + Y (X, Y: yếu tố đồng nghĩa, gần nghĩa)
2 - X + Y (X, Y: yếu tố trái nghĩa)
Bài 7. Tìm từ ghép có công thức cấu tạo X + Y (X: tiếng chính, Y: tiếng phụ) theo mẫu dưới đây và đặt câu với ít nhất 2 từ tìm được:
Mẫu: - Chỉ chủng loại xe: xe đạp, xe máy, xe xích lô,…
Bài 8*. Trong các nhân vật truyện dân gian, em thích nhân vật nào nhất? Vì sao? Hãy viết đoạn văn khoảng 6 - 8 câu bày tỏ suy nghĩ của em. Đoạn văn có sử dụng từ ghép, từ láy. Gạch chân 02 từ ghép, 01 từ láy.
Hướng dẫn học ở nhà:
- Nắm vững nội dung học tập.
- Hoàn thiện các bài tập trong phiếu bài tập.
- Chuẩn bị bài tiếp theo: xem lại kiến thức và tìm hiểu câu hỏi trong PHT.
---------------------o0o-------------------------
Tiết 13 + 14
LUYỆN TẬP:
VIẾT BÀI VĂN KỂ LẠI MỘT TRUYỆN TRUYỀN THUYẾT, CỔ TÍCH
Đề bài: Đóng vai nhân vật trong truyện cổ tích “Thạch Sanh” và kể lại truyện.
* YÊU CẦU
1. HS thực hiện các bước viết bài theo yêu cầu và gợi ý dưới đây.
2. Nhiệm vụ cần thực hiện:
- Tiết 1. Thực hiện bước 1, 2, 3, 4 (viết đoạn văn phần mở bài, kết bài)
- Tiết 2. Thực hiện bước 4, 5 (viết các đoạn văn thân bài, đọc lại bài, chỉnh sửa nếu cần).
*CÁC BƯỚC VIẾT BÀI.
1. Chuẩn bị
1.1. Xác định yêu cầu của bài tập (kiểu bài, nội dung bài viết, ngôi kể, mục đích viết và đối tượng đọc).
1.2. Chọn ngôi kể và đại từ tương ứng
- Em lựa chọn đóng vai nhân vật nào để kể?
- Khi đóng vai nhân vật kể lại câu chuyện, ngôi kể sẽ là ngôi thứ nhất. Em dự định dùng từ ngữ nào để xưng hô (ta, tôi, mình, tớ,...) cho phù hợp với địa vị, giới tính... của nhân vật em đóng vai cũng như bối cảnh câu chuyện?
1.3. Chọn lời kể phù hợp
- Lời kể phải phù hợp với đặc điểm nhân vật và nội dung câu chuyện được kể, bối cảnh kể. Do đó, em hãy xác định:
+ Nhân vật em chọn đóng vai có đặc điểm gì nổi bật về giới tính, tuổi tác, địa vị? Em lựa chọn cách xưng hô, dùng từ ngữ nào để kể chuyện cho phù hợp?
+ Tính chất lời kể (vui, buồn, thân mật, nghiêm trang,....) đã phù hợp với nội dung câu chuyện được kể, bối cảnh kể chưa?
2. Tìm ý
2.1. Thời gian, không gian trong truyện cổ tích thường không xác định. Em sẽ dùng từ ngữ nào để mở đầu câu chuyện (phần thân bài)?
- Ngày ấy, Đã rất lâu rồi,...Ở một làng nọ,... Ngày xửa, ngày xưa,....
2. 2. Truyện có những sự kiện nào? Diễn biến của câu chuyện (mở đầu, phát triển, kết thúc) ra sao?
2. 3. Truyện có nhân vật chính nào? Em tưởng tượng nhân vật đó như thế nào?
2. 4. Có thể thêm, bớt những chi tiết, hình ảnh... của truyện như thế nào?
2. 5. Truyện gợi cho em cảm xúc, suy nghĩ hay bài học gì? Em sẽ dùng từ ngữ nào để thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, bài học của mình.
3. Lập dàn ý
Hãy lập dàn ý cho bài viết theo gợi ý dưới đây:
A. Mở bài: Đóng vai nhân vật để tự giới thiệu sơ lược về mình và câu chuyện định kể
B. Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện.
- Xuất thân của các nhân vật
- Hoàn cảnh diễn ra câu chuyện
- Trình bày chi tiết các sự kiện xảy ra theo trình tự thời gian tuyến tính (mở đầu, phát triển, kết thúc)
C. Kết bài: Kết thúc câu chuyện và nêu bài học được rút ra từ câu chuyện.
4. Viết bài
*Khi viết bài cần lưu ý:
- Nhất quán về ngôi kể: Dùng ngôi thứ nhất để kể lại câu chuyện.
- Kể lại câu chuyện: Dựa vào truyện gốc (nhân vật, sự kiện, ngôn ngữ…) nhưng hãy cố gắng sáng tạo ở những chỗ cho phép (chi tiết hóa, cụ thể hóa những chỗ truyện gốc còn chung chung; gia tăng yếu tố kì ảo, tưởng tượng, tăng cường bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá của người kể chuyện; gia tăng việc miêu tả, bình luận, liên tưởng…)
5. Đọc lại và chỉnh sửa bài viết
Xem lại và chỉnh sửa bài viết theo một số gợi ý sau đây:
Yêu cầu Gợi ý chỉnh sửa
- Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất. Người kể chuyện đóng vai một nhân vật trong truyện.
- Rà soát để đảm bảo sự chính xác và thống nhất về người kể chuyện, ngôi kể, từ ngữ xưng hô. Nếu chưa chính xác và thống nhất, cần chỉnh sửa.
- Có sự tưởng tượng, sáng tạo thêm nhưng không thoát li truyện gốc: tránh làm thay đổi, biến dạng các yếu tố cơ bản của cốt truyện ở truyện gốc. - Đánh dấu các diễn biến chính, các chia tiết được lấy từ truyện gốc; kiểm tra tính chính xác của chúng. Nếu chưa chính xác thì cần sửa lại cho đúng với truyện gốc.
- Kiểm tra tính hợp lí, nhất quán giữa các chi tiết được sáng tạo thêm với truyện gốc (quan hệ nhân quả, trật tự, thời gian,…). Nếu chưa phù hợp, cần sửa lại.
- Cần có sự sắp xếp hợp lí các chi tiết và bảo đảm có sự kết nối giữa các phần. - Rà soát lại trình tự lo-gic và sự kết nối giữa các chi tiết, các đoạn, các phần. Chỉnh sửa nếu chưa hợp lí.
- Cần bổ sung các yếu tố miêu tả, biểu cảm để tả người, tả vật hay thể hiện cảm xúc của nhân vật. - Kiểm tra các yếu tố miêu tả, biểu cảm. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung.
- Đảm bảo yêu cầu về chính tả và diễn đạt. - Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đạt câu,…). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi.
* Bài viết tham khảo:
Đề bài: Đóng vai nhân vật người em kể lại truyện cổ tích “Cây khế”
Chào các bạn. Tôi vốn là một trong số ít người có hoàn cảnh không được may mắn trong làng. Nhưng rồi, một chuyện bất ngờ đã xảy ra làm thay đổi cuộc đời tôi. Sau đây, tôi xin kể lại để các bạn cùng chia vui với tôi.
[1] Ngày ấy, cha mẹ tôi mất sớm. Nhà chỉ có hai anh em nhưng biết bảo ban nhau, chăm lo làm lụng nên cuộc sống của chúng tôi cũng dư giả. Song thật đáng tiếc, từ khi có vợ, anh tôi sinh ra lười biếng, bao nhiêu công việc khó nhọc, đều trút cho vợ chồng tôi. Hai vợ chồng tôi thức khuya, dậy sớm, cố gắng làm lụng, chỉ mong cả hai gia đình sẽ được đầm ấm, no đủ. Vậy mà, anh trai tôi không biết nghĩ sao, sợ tôi tranh công, liền bàn với vợ cho vợ chồng tôi ra ở riêng cùng với một căn nhà tranh lụp xụp ở trước cửa có một cây khế ngọt. Còn lại bao nhiêu ruộng vườn, nhà cửa, người anh chiếm lấy hết, cho làm rẽ và ngồi hưởng sung sướng với vợ. Nghĩ là người trong một nhà, anh mình dùng cả, đi đâu mà thiệt hơn nên tôi không ta thán một lời. Anh trai tôi thấy vậy lại cho tôi là đần độn và không đi lại với tôi nữa.
Vợ chồng tôi ra ở riêng, ngày ngày chăm chút cho nên cây khế xanh mơn mởn, bóng rợp khắp mảnh vườn nhỏ bé, quả lúc lỉu cả ở những cành là sát mặt đất, trẻ lên ba cũng với tay được. Chúng tôi vui mừng biết bao khi khế vào vụ chín.
[2] Một buổi sáng, vợ chồng tôi ra hái khế đi bán thì thấy tít trên ngọn cây, một con chim lớn đang ăn khế chín vàng. Chúng tôi cứ đứng im dưới gốc, đợi chim ăn xong bay đi mới trèo lên cây hái quả. Cứ thế, ròng rã một tháng trời, quả trên cây cũng vợi hẳn đi.
Một hôm, đứng đợi chim ăn, vợ tôi khẽ hỏi, giọng thân tình:
- Ông chim ơi, ông ăn như thế còn gì là khế của nhà cháu nữa! Cây khế nhà cháu cũng sắp hết quả rồi đấy, ông ạ!
Không ngờ chim đáp lại:
- Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng!
Nói đi nói lại ba lần, chim mới vỗ cánh bay đi. Vợ chồng tôi lấy làm lạ lắm nhưng cũng nghe lời chim may một túi vải, bề dọc bề ngang vừa đúng ba gang. Sau đó, tôi được chim đưa qua nhiều miền đất, hết đồng ruộng đến rừng xanh, hết rừng xanh đến biển cả… Khi ra tới giữa biển, chim rẽ vào một hòn đảo toàn đá trắng, đá xanh, đá đỏ, đá ngũ sắc. Chim bay một vòng quanh đảo, rồi từ từ hạ xuống một cái hang.
Chim ra hiệu cho tôi vào lấy gì thì lấy. Các bạn biết không, mới vào đến cửa hang, tôi đã thấy toàn những thứ đá trong như thủy tinh và hổ phách đủ các màu…. Thứ nào cũng quý và có giá trị. Đứng ngắm một lúc cho thỏa thích, tôi nhặt một ít vàng, kim cương cho vào túi rồi ra hiệu cho chim bay về, lòng vui mừng khôn xiết.
Chim lại cất cánh trở về, bay qua hết biển cả đến rừng xanh, hết rừng xanh đến đồng ruộng, tới khi mặt trời đứng bóng thì đưa tôi về đến nhà. Vợ tôi đã đợi sẵn trên chiếc chõng tre ở sân cùng với đĩa khế mời chim ăn.
Tạm biệt chim quý, vợ chồng tôi không quên cảm ơn tấm lòng của chim. Chim lượn vài vòng trước sân như đã hiểu lời mời của chúng tôi rồi mới vỗ cánh bay vút lên cao.
Từ đấy, cuộc sống của vợ chồng tôi trở nên sung túc, ấm no hơn. Tôi dựng một căn nhà khang trang ngay trong khu vườn, nhưng vẫn giữ lại túp lều, cây khế và đón chào người bạn quý mỗi mùa khế đến.
Các bạn ạ. Hãy cứ sống chân thành, biết sẻ chia với mọi người, cuộc sống sẽ mỉm cười với chúng ta. Chắc các bạn cũng nghĩ như tôi phải không?
Hướng dẫn học ở nhà:
- Nắm vững nội dung học tập.
- Hoàn thiện bài văn.
- Viết một bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích em yêu thích bằng lời văn của em (khuyến khích)
- Chuẩn bị bài tiếp theo: xem lại kiến thức và tìm hiểu câu hỏi trong PHT.
---------------------o0o-------------------------
Tiết 15
ĐÁNH GIÁ CHỦ ĐỀ
TRUYỆN (TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH)
A. TRẮC NGHIỆM
- Làm bài tập trắc nghiệm từ câu 1 => câu 9 (Sgk Ngữ văn 6, tập 1, trang 33, 34, 35).
B. TỰ LUẬN
Bài 1. Trả lời câu 10 (Sgk Ngữ văn 6, tập 1, trang 35).
Bài 2. Trong cuộc sống, có nhiều cách giải quyết vấn đề, ứng xử nhanh trí, sáng tạo trước những tình huống, hoàn cảnh khó khăn thể hiện sự thông minh của con người.
Hãy viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu kể lại một trường hợp như vậy mà em đã trải qua hoặc gặp ngoài đời, biết qua sách báo, truyện kể.
b. Ghi chép, tích lũy và chia sẻ trước lớp những đoạn trích hoặc văn bản cổ tích/ truyền thuyết hay mà em đã đọc được.
(Lưu thành tập san tư liệu hoặc tập hợp vào tủ sách chung của lớp).
Hướng dẫn học ở nhà:
- Nắm vững nội dung học tập (kĩ năng đọc hiểu truyện truyền thuyết, cổ tích, ý thức rèn luyện phẩm chất trong cuộc sống hàng ngày).
- Hoàn thiện bài tập trong PHT.
- Chuẩn bị bài tiếp theo: xem lại kiến thức và tìm hiểu câu hỏi trong PHT.
---------------------o0o-------------------------